Rác thải – thực trạng và giải pháp
Vấn đề rác thải đã quá rõ, nhà máy rác Nam Sơn chỉ đóng cửa 2 ngày đã cho Hà Nội khốn đốn. Và dù có tiếp tục mở rộng, cải tạo thêm nhà máy này chỉ có thể “chịu” được rác đến năm 2022, tức là chỉ khoảng 2 năm nữa thì không có chỗ mà để rác, mỗi ngày hơn 6000 tấn rác sẽ đi đâu về đâu?
Ra đường phố hay về nông thôn, không khó nhận ra thói quen vứt rác bừa bãi của cả người lớn, trẻ nhỏ. Khi mà không còn chỗ để rác thì thói quen này chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả nhãn tiền: “vỡ trận” rác, Hà Nội nhanh chóng thành bãi rác cộng đồng! Và đương nhiên không chỉ Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang … người và sự “sang chảnh” đi đến đâu, rác cũng theo đó. Người tăng, rác tăng. Người giàu hơn dùng nhiều hơn, rác cũng nhiều hơn. Người dùng nhiều hàng Hi-Tech hơn rác thải cũng “khó nhằn hơn”: Không thể chôn lấp, không thể đốt, công nghệ xử lý lại chưa theo kịp.
Giải pháp sẽ luôn có, nhưng làm hay không thôi. Trên góc độ tổng quan tôi đề xuất các giải pháp đồng bộ, điều tiên quyết phải có sự chung tay từ chính quyền đến người dân, có khuyến khích, có chế tài, có Luật.
Giáo dục về rác
Tôi tạm dùng từ “rác giáo” để nói về tầm quan trọng của việc tuyên truyền giáo dục về rác một cách đầy đủ, khoa học.
- Rác cần được hiểu là một sản phẩm được chuyển đổi mục đích xử dụng, chứ không phải một thứ vứt đi. Mỗi sản phẩm, đồ dùng khi không còn nhu cầu xử dụng, hay khi nó đã hỏng – không còn dùng được theo công năng thiết kế, chúng ta cần phải biết sản phẩm đó sẽ được xử lý như thế nào, đích đến cho chúng ở đâu? Đồ ăn thừa, rau củ quả, pin hỏng, điện thoại hỏng, bàn ghế, giường, nệm …đều có điểm đến rõ ràng và đương nhiên, cần phải học để biết.
- Phân loại rác để phục vụ tái chế – chuyển đổi công năng. Việc này cần được làm một cách tự nguyện, thống nhất, hiệu quả. Phân loại tốt là chìa khoá cho việc xử lý rác thải hiệu quả, tiết kiệm.
- Rác giáo phải được dạy trong các trường học, các cấp học một cách bài bản. Học sinh không chỉ là thế hệ tương lai, lực lượng này còn sẵn sàng hành động vì tương lai.
Với mỗi mục đích trên có thể đề ra chính sách và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia.
Xây dựng Chính sách phù hợp
Có sự khuyến khích cả xã hội trong việc phân loại, thu gom, xử lý rác. Phát triển công nghệ xử lý rác thải luôn là thách thức để theo kịp công nghệ sản xuất hàng hoá. Chính sách tốt tạo lực kéo để giải quyết tận gốc vấn đề rác thải.
Chế tài
Làm tốt có thưởng, làm kém có phạt là triết lý đơn giản. Không ai phản đối những quy tắc – quy định văn minh, hợp tình hợp lý nhưng lại không muốn làm theo nó. Luật và hành luật là điều phải có để giải quyết vấn đề rác thải xã hội.
Hợp tác quốc tế
Đây là vấn đề chung của xã hội, con người. Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ là điều tất yếu. Hàng hoá là xuyên quốc gia nên rác thải là không phân biệt biên giới, lãnh thổ.
Lời kết: Đây không phải là kết thúc câu chuyện. Đi kèm mỗi vấn đề nan giải luôn là cơ hội, vận hội lớn. Giải quyết mỗi một khâu trong tổng thể này đều có thể trở thành một Start up tuyệt vời, hay một công ty công nghệ đột phá, hoặc thay đổi vận mệnh cho những ai có tâm huyết, quyết tâm. Bạn có thể đi một mình nhưng không bao giờ cô đơn trừ khi là bạn chọn nó!
[…] bài viết trước tôi đã đề xuất một kế hoạch tổng thể cho vấn đề rác thải. Một trong […]