cân rác tính tiền đổ rác

Gần đây xã hội đang bàn luận sôi nổi về dự thảo mới về môi trường: Thu phí đổ rác theo khối lượng, đổ rác nhiều, trả tiền nhiều.

Mục đích: Nâng cao ý thức xã hội trong việc bảo vệ môi trường.

Đây là chủ trương rất đáng được ủng hộ, tình trạng rác thải tràn lan không xử lý đã đến mức báo động. Nhưng điều quan trọng là đưa ra được chương trình hành động cụ thể, khoa học. Thay vì chỉ nêu vài ý kiến “chuyên gia” với khẩu hiệu rằng đây là ý tưởng tuyệt vời, là ý tưởng “đột phá”, ý tưởng có tính “cách mạng” để bảo vệ môi trường. Nghe có phần hơi phiến diện, khôi hài, một là ý tưởng này cũng không có gì mới khi nhiều nước tiên tiến như Nhật, Mỹ, Canada … đã làm từ lâu. Nó không phải cái gì gọi là “đột phá”.

Khi các lãnh đạo và chuyên gia chỉ nói về “ích lợi” và sự “đột phá” mà không thấy nói đến cách triển khai. Điều này khiến tôi liên tưởng đến rất nhiều câu chuyện tương tự, những thất bại, thua lỗ dùng tiền thuế của dân và được chốt với câu nói quen thuộc “chủ trương” thì rất tốt rất đúng, rất tiên tiến, nhưng khi thực hiện có sai sót, hoặc chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến …

Những câu hỏi dành cho cơ quan liên quan: Tại sao ý tưởng “đột phá” này đã áp dụng ở nhiều nước nhưng ở Việt Nam chưa áp dụng được? Câu hỏi này cũng hoàn toàn không mới, có nhiều ý tưởng tiên tiến đã triển khai ở nhiều nước nhưng lại không thể hay chưa thể áp dụng vào Việt Nam. Câu trả lời chỉ có thể là ý tưởng hay – chủ trương tốt nhưng chưa biết làm sao để hiện thực hoá.

Quay lại vấn đề chính: Làm sao để triển khai? Muốn thực hiện được việc này tốt, rất “đơn giản”: Phải đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch – công bằng, phải có lực lượng giám sát, phải có chế tài, đúng thưởng sai phạt. Với rác thải thì còn một yếu tố quan trọng đó là “xử lý” rác thải. Vậy nên hãy khoan tuyên dương về sự đột phá hay tính “cách mạng” của ý tưởng này, hãy nói về các câu hỏi, các vấn đề và làm sao trả lời các câu hỏi đó.

Đổ rác phải công khai

Chúng ta muốn thu phí đổ rác, chúng phải đảm bảo việc đổ rác phải được tiến hành công khai minh bạch. Tức là không ai được đổ rác “chui”, không đối tượng nào được đổ rác “lậu”, không nhà nào được “lén lút” đổ rác, không công dân nào được “lách luật” đổ rác. Chúng ta sẽ phải có luật, có lực lượng chống “rác tặc”, vân vân và vân vân vân.

Rác đổ xong sẽ đi đâu, xử lý như thế nào? Mỗi túi rác được phân loại, được “cân” và tính tiền thu gom theo cách “đột phá” này sẽ được xử lý như thế nào? Chi phí thu gom rác được tính như thế nào? Chi cho đối tượng nào?

Đổ rác phải công bằng

Một việc muốn được nhân rộng, được xã hội tán đồng, nhất định phải công bằng. Thu phí đổ rác thế nào cho công bằng?

  • Rác càng nặng càng tốn phí?
  • Rác càng to càng tốn phí?
  • Rác càng khó xử lý – khó tái chế càng tốn phí?
  • Rác càng bốc mùi càng tốn phí?
  • Rác càng độc hại càng tốn phí? Như là rác trong bệnh viện – rác từ hoá sinh phẩm bệnh nhân. 

Xét theo khía cạnh thu gom, phí thu gom rác, vậy càng khó thu gom thì phải tính phí càng cao? Tức là rác càng to càng nặng sẽ tính phí cao hơn?

Công an rác và rác tặc

Nếu như tốn phí đổ rác, rất nhiều người sẽ chọn lựa đổ rác chui, hoặc không đổ rác – thay vào đó tự đốt rác, một cách làm rẻ hơn nhiều mà KHÔNG BỊ CẤM? Như vậy phải có công an rác, cảnh sát rác (rác cảnh), phải có ngân sách cho lực lượng này? Các bộ các ngành phải vào cuộc thôi.

Mục đích sau cùng?

Nhiều khi câu chuyện bị “bẻ lái” sang một chủ đề khác mà chúng ta quên đi mục đích thực sự: Chúng ta muốn môi trường xanh sạch đẹp, muốn xã hội văn minh, muốn mọi người mọi nhà nâng cao ý thức xả rác: Rác phải được phân loại để thu gom, xử lý.

Nhà nước phải có chính sách phát triển công nghệ xử lý rác hợp cách, an toàn. KHÔNG một ai muốn sống cạnh một bãi rác (dù nó được đặt tên khác đi, ví dụ nhà máy xử lý rác). Mọi người có thể mải mê tranh luận túi đựng rác, phí đổ rác, trang bị cho “công an rác”, chính sách lao động cho công nhân rác… nhưng dưới góc độ người dân – hộ gia đình, chỉ cần đảm bảo đổ rác đúng nơi qui định, được phân loại theo yêu cầu, việc thu gom xử lý là trách nhiệm của chính quyền.

Ai được lợi?

Nếu việc này được tiến hành thì ai sẽ được lợi?

Trước tiên về kinh tế: Tiền từ người dân được chuyển sang lực lượng thu gom xử lý rác, thêm kinh phí để thu gom rác (không liên quan đến xử lý).

 

NẾU rác được phân loại tại nguồn và bảo đảm được phân loại đến khâu xử lý thì việc xử lý rác sẽ thuận tiện rất nhiều. Nghề đồng nát phế liệu sẽ có “đầu vào” thấp hơn khi giá thu mua được khấu trừ giá “thu gom” rác thải.

 

T/B: Ở nước bạn: Không phân loại rác – thì không được thu gom rác.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments