Túi nilon sinh học thực sự tốt không?
Túi nilon sinh học được xem như một loại vật liệu “thân thiện” môi trường, thậm trí còn được thần thánh hóa như một sản phẩm thay thế túi nilon “thường” vốn bị kì thị là phá hoại môi trường, nào là 500 năm chưa phân hủy, kẻ thù đại dương … (vẫn do con người làm ra và vứt ra môi trường thôi!).
Túi nylon sinh học có tốt không?
Câu trả lời có hay không chắc không thỏa đáng. Có – hiểu theo nghĩa thời gian phân hủy “theo lý thuyết” ngắn hơn 500 năm.
Túi nylon sinh học Tốt đến mức nào?
Thực tế là đang có rất nhiều nhãn hiệu, chủng loại được xếp chung vào túi nylon gắn với từ “sinh học”, người dùng chỉ nhìn thấy các chữ “tự hủy” hay “sinh học” thì coi như đây là loại “tốt” cho môi trường, có khi đang dùng túi nilon thông thường lo vứt đi sẽ hại môi trường thì từ khi có loại sinh học này cứ thoải mái vứt thôi!!
Trước tiên phải nói rằng công nghệ chế tạo ra những túi nylon sinh học này “cao cấp” hơn loại thông thường, để những túi này phân hủy được theo đúng lý thuyết thì cái túi nylon này phải được đặt trong điều kiện như lý thuyết. Nhưng một điều rất “oái oăm” hình như các nhà sản xuất túi “tự hủy” này lại không cho người dùng biết điều kiện lý tưởng để cái túi làm ra kia tự hủy được!
Một thí nghiệm đã được chuyên gia từ ĐH Plymouth tiến hành khi chôn lấp các túi nylon sinh học này 3 năm dưới đất. Sau 3 năm các túi này gần như mới, vẫn có thể mang được cả số lượng lớn đồ đạc, thật là những chiếc túi nylon sinh học siêu bền. Túi nylon sinh học thông thường sẽ bắt đầu phân hủy khi tiếp xúc với điều kiện ngoài trời, không chôn lấp, sau 9-12 tháng thưa các bạn. Nếu cứ dùng túi nylon sinh học và cứ chôn lấp thì nó cũng không khác túi thường kia là bao!
Hơn nữa, dù là túi nylon sinh học hay thông thường thì nó vẫn là nylon, chứa nhiều chất phụ gia và không bền nhiệt, chúng ta không nên dùng nylon sinh học và nylon để đựng đồ ăn, thực phẩm nóng để tránh các chất độc hại.
Túi nylon sinh học có gì không tốt?
Chắc chắn có. Như đã vừa đề cập túi nylon sinh học phân hủy nhanh hơn nhưng phải với tiếp xúc với không khí, nước, ánh sáng mặt trời chứ không chôn lấp. Tức là chúng ta phải đem “phơi” chúng thì mới tốt. Việc giặt và phơi túi nylon xem ra còn khó hơn giặt quần áo! Mà chỗ phơi thì cũng khó, chưa kể chúng hơi nhẹ, khéo gió mạnh là bay lung tung hết 🙁
Giải pháp căn cơ là vẫn phải tìm cách tái chế chúng. Và ở đây thì việc tái chế túi nylon sinh học khó hơn túi nylon “bình dân” rất nhiều, vì công nghệ chế tạo cao hơn thì công nghệ tái chế cũng khó hơn. Nếu trộn túi sinh học với túi tái chế thông thường sẽ làm giảm chất lượng của cả mẻ tái chế đó. Quả là khó thêm khó, không nên chôn lấp mà tái chế còn khó hơn.
Đừng nên cho túi nylon sinh học ra môi trường bừa bãi nhé vì chúng không thân thiện lắm đâu!